Hải đăng Cù Lao Xanh và những bí mật về lịch sử

Đảo Cù Lao Xanh thuộc xã Nhơn Châu, cách TP.Quy Nhơn (Bình Định) 24 km. Đảo có diện tích khoảng 365 ha, dân số 2.500 người.

Ban đêm, từ bờ biển Quy Nhơn, phóng tầm mắt ra khơi xa, giữa hàng trăm đốm sáng lung linh tựa hoa đăng. Du khách sẽ bị cuốn hút vào một ngọn đèn lúc ẩn, lúc hiện, vừa huyền diệu, vừa bí ẩn… Ðó là ngọn hải đăng Cù Lao Xanh trên đỉnh một ngọn núi ở độ cao 120m.

Vào năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải đá ngầm thuộc khu vực biển Quy Nhơn, người Pháp đã quyết định xây dựng ở đảo du lịch Cù Lao Xanh một ngọn hải đăng và đặt tên là Plogam Bir.

Hải đăng Cù Lao Xanh và những bí mật về lịch sử

Liên đoàn Đống Đa dưới chân hải Đăng Cù Lao Xanh 1962

Ðây là một hòn đảo rộng chừng 3,5km2. Mục đích của người Pháp xây dựng ngọn đèn biển ở Cù Lao Xanh là để hướng dẫn tàu, thuyền ra, vào Cảng Quy nhơn được thuận tiện, an toàn hơn. Thế rồi, theo lệnh của Tòa Khâm sứ Pháp, tất cả quan lại các tổng, huyện đã thực hiện việc bắt dân các xã (mỗi xã 5 người) ra Thanh Châu làm phu xây dựng hải đăng Plogam Bir .

Hải đăng Cù Lao Xanh là một sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc phương Ðông và phương Tây. Vừa mang “hơi thở” của trường phái kiến trúc gothic, vừa có dáng dấp kiến trúc phương Ðông.

Kết cấu của hải đăng gồm 4 phần chính, phân bố hài hòa, hợp lý. Tầng dưới cùng là bậc thang gồm 32 bậc, xây bằng gạch vồ. Vào trong lòng tháp, du khách đi lên một cầu thang lượn xoắn ốc là tới tầng chính, nơi để đèn. Lúc đầu, đèn dùng bằng gas, vòng quay phải dùng bằng một quả tạ cơ năng làm cho đèn quay.

Năm 1957, đèn được thay thế bằng điện (công suất bóng 1000W). Phần trên là một hệ thấu kính, ở giữa đặt một bóng đèn.

Hải đăng Cù Lao Xanh và những bí mật về lịch sử

Ngọn hải đăng là nơi dừng chân của nhiều du khách

Năm 1984, đèn lại được thay bằng một hệ thống mô tơ từ trường. Mô tơ này điều khiển mâm quay. Mâm quay cấu tạo nhiều lỗ tròn dùng để hạ định tốc độ, được điều khiển bằng một bán dẫn điện tử làm cho tốc độ luôn luôn cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây gồm 3 tia ngắn, 1 tia dài (vì vậy ở xa ta mới thấy đèn nhấp nháy).

Tính từ chân tháp lên đỉnh, hải đăng Cù Lao Xanh cao 19m, nhưng vững chắc, kiên cố vì toàn bộ được xây bằng đá tảng lớn (tường dày hơn 1m). Hiện nay, hải đăng Cù Lao Xanh được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam .

Song song với việc xây dựng hải đăng Cù Lao Xanh, những người thợ còn xây dựng ở cạnh đó một công trình khá đặc sắc là khu nhà của viên quan ba Pháp. Tòa nhà này gồm 2 tầng, rộng 10m, dài 40m, có 16 phòng. Tòa nhà xây dựng bằng gạch vồ, tường dày tới gần nửa mét và nền móng xây bằng đá tảng rất kiên cố.

Hải đăng Cù Lao Xanh và những bí mật về lịch sử

Giới trẻ “phát cuồng” với hình ảnh hải đăng Cù Lao Xanh

Ðặc biệt, ở đây có một hệ thống dự trữ nước mưa không bao giờ cạn. Trên tầng sân thượng là một hệ thống hứng, dẫn nước mưa. Nước chảy xuống nhiều ống (có lưới gạt, lọc bụi, rác). Khi nước chảy xuống bể sâu ở tầng hầm cuối cùng thì vô cùng sạch và nước rất ngon. Bể chứa nước rộng 4m, dài 9m, cao 2,5m.

Đây là ngọn hải đăng xuất hiện sớm nhất ở nước ta. Hơn 100 năm qua, ngọn hải đăng này vẫn là người bạn thủy chung của những đoàn thuyền đánh cá từ mọi miền đất nước hoạt động qua đây. Ánh sáng từ ngọn hải đăng trên Cù Lao Xanh đã là niềm tin và hy vọng của biết bao ngư dân trong những đêm bão biển. Vì vậy, ngọn hải đăng còn được gọi là đôi “mắt thần” của biển.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng hải đăng Cù Lao Xanh vẫn một lòng “son sắt” với người dân ở đây. Ngọn hải đăng trên đảo đã trở thành một địa điểm du lịch cho những bạn trẻ ưa khám phá. Nếu có dịp đến Quy Nhơn thì bạn nhớ ghé thăm ngọn hải đăng “cao tuổi” này nhé. Chắc chắn với bạn rằng, một khi đã đặt chân đến thì không muốn rời xa.

nguồn  https://checkinquynhon.com/hai-dang-cu-lao-xanh-va-nhung-bi-mat-ve-lich-su/

Ảnh cưới Quy Nhơn